Giỏ hàng

CÔNG VIÊN TSARITSYNO - ĐI CHƠI THẾ NÀO CHO CHUẨN?

LỊCH SỬ ĐIỀN TRANG

Bảo tàng-Khu bảo tồn “Tsaritsyno” nằm ở phía nam thủ đô Moscow. Vào thế kỷ 11 - 13, đây là nơi sinh sống của những người Vyatichi – các bộ lạc người Slav phương Đông. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những ngôi mộ cổ được chôn cất tại đây, trong đó có đồ trang sức, bát đĩa gốm sứ và đồ gia dụng, hiện được lưu giữ ở bảo tàng.

Tsaritsyno từ thời Irina Godunova đến Catherine Đại đế

Kể từ cuối thế kỷ 16, vùng đất này thuộc về các sa hoàng Nga hoặc những người mà họ ái mộ. Chủ nhân đầu tiên của khu đất là công nương Irina, em gái của Boris Godunov. Nhưng trong Thời kỳ tao loạn, điền trang bị thiêu rụi trở thành vùng đất hoang cháy xém, bởi vậy người ta gọi nó là “Bùn đen”. Năm 1633, khu đất được giao cho bé Vasily Streshnev, cha vợ của Sa hoàng Mikhail Fedorovich, vị vua đầu tiên của triều đại Romanov. Sau đó, người tình của Công chúa Sophia là Vasily Golitsyn đã nhận được khu đất này. Ông xây một ngôi nhà ba tầng trên khuôn viên của điền trang, trồng những cây bạch dương và một khu vườn bao quanh hồ nước.

 

Tuy nhiên, vào năm 1689, Peter I lật đổ người chị gái Sophia cùng cha khác mẹ của mình khỏi ngai vàng và đày Golitsyn đi lưu vong, sau đó trao gia sản cho đồng minh của mình trong cuộc chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ là hoàng tử Dmitry Cantemir xứ Moldavia. Chủ nhân mới đã xây dựng một ngôi nhà gỗ “theo phong cách Trung Quốc” với mái dốc, những phòng trưng bày và tháp nhỏ. Sau đó, điền trang được thừa kế bởi các con trai của Cantemir. Họ đã trồng hai vườn cây ăn quả và tạo một nhà kính trồng các loại trái cây kỳ lạ ở đây.

Vào mùa xuân năm 1775, Hoàng hậu Catherine II đã đến thăm vùng đất “Bùn đen”. Nàng vì quá ấn tượng bởi phong cảnh đẹp như tranh vẽ nơi đây mà đã mua điền trang cùng những ngôi làng xung quanh với giá 30 nghìn rúp và đổi tên làng thành “Tsaritsyno”.

Dự án xây dựng dinh thự hoàng gia được phát triển bởi kiến ​​trúc sư Vasily Bazhenov. Catherine II yêu cầu kiến trúc sử phải bảo tồn vẻ đẹp của công viên lịch sử và tạo ra một quần thể, trong đó các họa tiết thời Trung cổ sẽ được kết hợp với các yếu tố của kiến ​​trúc Nga cổ truyền thống. Bazhenov thiết kế khu phức hợp cung điện để các tòa nhà phù hợp hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Đối với mặt tiền, ông quyết định sử dụng gạch đỏ và trang trí bằng đá trắng.

Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1776. Hai cung điện giống hệt nhau được dựng lên dành cho nữ hoàng Catherine và con trai Pavel, còn những cận thần của Nữ hoàng được ở trong đại điện Kỵ binh. Cung điện Nhỏ và Trung của Nữ hoàng, tòa nhà bếp, được gọi là Nhà bánh mì, và bốn tòa nhà dành cho người hầu nằm xung quanh. Đến năm 1785, tất cả các tòa nhà gần như đã hoàn thiện. Tuy nhiên, Nữ hoàng không thích phiên bản đầu tiên của cung điện chính. Bà viết cho hoàng tử Pavel rằng các phòng quá chật chội và hẹp, cung điện “phải được thay đổi bên trong, vì ta không thể sống trong không gian như vậy được”. Nữ hoàng cách chức Bazhenov. Học trò của ông là Matvey Kazakov tiếp tục công việc xây dựng cung điện. Kazakov cho tháo dỡ hai cung điện và đại điện Kị binh, thay vào đó dựng lên một cung điện chính nguy nga và bề thế hơn.

Năm 1796, Nữ hoàng qua đời, và người kế vị của bà, Paval I, đã ra lệnh “không được xây dựng các tòa nhà trong Tsaritsyno nữa!” Không ai trong số những người cai trị từng sống trong dinh thự này.

Tsaritsyno trong thế kỷ 19 và 20

Vào đầu thế kỷ 19, Sa hoàng Alexander I ra lệnh mở cửa công viên Tsaritsyno cho người dân vào dạo thăm. Tại đây đặc biệt xây dựng thêm những nhà nghỉ trú mưa, phòng tiếp khách và khu uống trà. Dinh thự trở thành một địa điểm phổ biến cho những cuộc dạo chơi đồng quê, và các loại trái cây kỳ lạ vẫn được trồng trong nhà kính. Năm 1860, các tòa nhà cung điện và đất đai bắt đầu được cho thuê. Vào cuối thế kỷ 19, Tsaritsyno đã trở thành một ngôi làng nghỉ mát tiện nghi và uy tín. Các quan chức, văn nghệ sĩ, nhà soạn nhạc thường tới nghỉ ngơi tại đây.

Một trong những biệt thự đắt nhất ở Tsaritsyno thuộc về chủ tịch Duma Quốc gia thứ nhất, Sergei Muromtsev. Ông đã kết hôn với nghệ sĩ độc tấu của Nhà hát Bolshoi Maria Klimentova-Muromtseva và cùng cô nuôi dạy ba người con. Vào những năm 1890, chính trị gia này đã xây cho gia đình mình một ngôi nhà lớn hai tầng với những ngọn tháp và sân thượng bên bờ hồ thượng viên Tsaritsyno. Thời kỳ này trong nhà đã được lắp hệ thống điện nước sinh hoạt đầy đủ và lò sưởi kiểu Hà Lan, ngoài ra ông dành riêng một khoảnh đất rộng sử dụng cho việc đi dạo và ngắm cảnh.

Chính tại Tsaritsyn năm 1896, nhà văn Ivan Bunin lần đầu tiên gặp người vợ tương lai của mình, Vera Muromtseva. Cô là cháu gái của Sergei Muromtsev, và gia đình cô thuê một căn nhà gỗ gần đó.

Sau cuộc cách mạng năm 1917, Tsaritsyno được đổi tên thành Lenino, các biệt thự bị tịch thu và chuyển đổi thành những căn chung cư. Cũng trong những năm Xô Viết, các tổ chức nhà nước được đặt trong các tòa nhà. Vào cuối những năm 1960, những người sống trong các căn chung này cư được chuyển ra những ngôi nhà mới gần đó. Khu vực xung quanh quần thể Tsaritsyno đã trở thành một khu bảo tồn thiên nhiên. Tuy nhiên, nhiều công trình kiến ​​trúc lịch sử vào thời điểm đó đã trở thành đống đổ nát và cây cối mọc um tùm.

Khu đất này chỉ được phục hồi vào thời Liên Xô. Từ năm 1987 đến năm 1995, hầu như tất cả các công trình lịch sử đều được trùng tu tại đây. Năm 1992, khu phức hợp được đổi tên thành Khu bảo tồn Lịch sử, Kiến trúc, Nghệ thuật và Cảnh quan Tsaritsyno.

DẠO CHƠI TẠI TSARITSYNO

Bạn có thể bắt đầu đi dạo dọc theo Tsaritsyno từ bất kỳ lối vào nào vào công viên. Chúng tôi gợi ý bạn đi qua Cổng Trung tâm. Dọc theo con hẻm, bạn sẽ đến các hồ và nhìn thấy một hòn đảo có đài phun nước: mỗi buổi tối mùa hè, nơi đây sẽ tổ chức chương trình biểu diễn ánh sáng và âm nhạc. Các hồ được ngăn cách bởi Đập Tsaritsyno, dẫn đến Cầu Hình, lối vào chính của dinh thự. Đây là công trình đầu tiên do Vasily Bazhenov dựng lên. Cây cầu trông giống như một công sự với những ngọn tháp đồ sộ và một mái vòm. Cây cầu dẫn bạn tới thẳng quần thể cung điện.

Cung điện Nhỏ

Bên phải Cầu Hình là Cung điện Nhỏ: tọa trên đỉnh đồi hình kim tự tháp và dường như cũng được xây dựng theo chính dáng vẻ của ngọn đồi ấy. Kết tự của Nữ hoàng làm bằng đá trắng được treo ở mặt tiền phía đông – biểu tượng tương tự có thể được nhìn thấy trên biểu tượng của bảo tàng công viên Tsaritsyno, thể hiện cho chủ nhân nơi đây. Căn phòng rộng lớn đặc biệt nhất trong Cung điện Nhỏ là Phòng Bầu dục – căn phòng tràn ngập ánh sáng với những cửa sổ nhìn ra hồ Tsaritsyno. Phòng Bầu dục được thiết kế cho các cuộc họp nội các hay những buổi trò chuyện bí mật. Gần đó, Bazhenov đã thiết kế một khu tắm hơi để sau khi làm việc, Nữ hoàng có thể tắm, thay quần áo và thư giãn. Cung điện đã sẵn sàng vào năm 1785, nhưng Catherine II chưa từng đặt chân vào đây.

Vào đầu thế kỷ 19, thương gia người Matxcơva Karl Leken đã thuê tòa nhà và mở một quán cà phê trong đó chỉ làm việc được vài năm. Sau đó, tòa nhà bị bỏ trống trong một thời gian dài và đến cuối những năm 1850, theo hồi ký của những người đương thời, nó đã biến thành một “phòng trưng bày bán nguyệt bằng đá trên một tầng” đổ nát. Cung điện chỉ được trùng tu vào năm 1995. Nó có rất nhiều cửa sổ và tràn ngập ánh sáng ban ngày, vì vậy tòa nhà được sử dụng để tổ chức các cuộc triển lãm đồ sứ, thủy tinh, gốm và nghệ thuật hiện đại – những đồ vật không bị hư hỏng khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và trông đặc biệt ấn tượng khi được ánh sáng chiếu rọi.

Cung điện Hoàng gia (Cung điện Lớn)

Xa hơn nữa trên ngọn đồi là lâu đài màu trắng đỏ với những ngọn tháp nhọn – Cung điện Hoàng gia. Đây là tòa nhà duy nhất trong quần thể được xây dựng theo dự án của Matvey Kazakov, tác giả những kiến trúc nổi tiến như Cung điện du lịch Petrovsky, tòa nhà Thượng viện trong Điện Kremlin và Đại học Moscow trên đồi Mokhovaya. Ở Tsaritsyno, Kazakov cố gắng tiếp tục công việc theo phong cách của Vasily Bazhenov, nhưng cung điện vẫn vi phạm cấu trúc ban đầu: Đại điện lớn gấp nhiều lần các tòa nhà khác. Kazakov dự định sẽ thiết kế ở trung tâm cung điện là các phòng nghi lễ và khánh tiết, ở phía tây là những gian phòng của Nữ hoàng, còn phía đông là dãy phòng của Hoàng tử Pavel và gia đình ông.

Khi chiến tranh Nga-Thổ bùng nổ, Nữ hoàng ra lệnh khẩn trương hoàn thành cung điện. Vì quá vội vàng, Kazakov đã phải bỏ tầng 3, thay vì mái che kiên cố, tòa nhà được lợp bằng mái che tạm thời. Sau đó Catherine II qua đời, và Cung điện Lớn không bao giờ trở thành nơi ở của hoàng gia. Vào đầu thế kỷ 19, bởi sự tàn phá của chiến tranh, tòa nhà sụp đổ và bị bỏ quên với cây cối mọc um tùm. Đến đầu thế kỷ 21, cung điện chỉ còn lại những bức tường chính. Tòa nhà chỉ được xây dựng lại vào những năm 2000. Các kiến ​​trúc sư đã dựng lại hình dạng và tỷ lệ của tòa nhà, trang trí các mái bằng các chóp theo dự án chưa thực hiện của Kazakov.

Hiện tại, Cung điện là nơi trưng bày chính của Bảo tàng. Hội trường Tsaritsyno cổ đại chứa tất cả các phát hiện khảo cổ học được tìm thấy ở công viên trong quá trình khai quật: từ đồ trang trí Vyatichi đến những tấm gạch đất sét. Các sảnh nghi lễ Catherine và Tauride được trang trí theo phong cách thế kỷ 18. Tại đó, bạn có thể tìm hiểu lịch sử hình thành cung điện và quần thể công viên, chiêm ngưỡng những bức tranh, tác phẩm điêu khắc và các kiệt tác nghệ thuật từ thời Catherine II. Và trong những căn phòng đặc biệt dành cho trẻ em, những du khách nhỏ tuổi có thể làm quen với lịch sử của Tsaritsyno một cách cực kỳ khác biệt: tất cả các đồ vật ở đây đều có thể được chạm và vặn, thỏa trí tò mò của các bạn nhỏ!

Ngoài các bản vẽ và tái tạo 3D, triển lãm “Tsaritsyno của Catherine II” còn bao gồm các video cho thấy quá trình xây dựng dinh thự hoàng gia. Chúng bao gồm các phim ngắn của đạo diễn Andrey Silvestrov dựa trên các tài liệu lịch sử. Các diễn viên nổi tiếng đã tham gia đóng phim: Julia Aug đóng vai Catherine II, Pavel Derevyanko đóng vai Vasily Bazhenov, và Pavel Shumsky đóng vai Matvey Kazakov.

Nhà bánh mì

Hàng rào phòng trưng bày có cổng nối cung điện với tòa nhà, giống như một khối lập phương với các góc tròn. Vasily Bazhenov muốn biến nơi đây thành nhà bếp của cung điện. Để tòa nhà không khác biệt với phong cách chung, kiến ​​trúc sư đã quyết định “cải trang” nó thành một lâu đài thời trung cổ. Ông sử dụng đá trắng từ các mỏ đá Khoroshevsky – có khả năng chống ẩm tốt hơn các vật liệu địa phương. Bazhenov trang trí các mặt tiền bằng biểu tượng dưới dạng một ổ bánh mì và một cái máy lắc muối, và trên đó ông đặt một chữ lồng của các chữ cái X và C – chúng có nghĩa là “bánh mì” và “muối”. Vì vậy, trong dân gian, tòa nhà được gọi là “Bánh mì”.

Năm 1849, Nicholas I ra lệnh xây dựng lại tòa nhà thành bệnh viện cho nông dân. Sau đó, nơi đây trở thành khách sạn cho cư dân mùa hè, và sau cuộc cách mạng – nó đã hóa thành các căn hộ chung. Nhà bánh mì Bazhenov đã được khôi phục vào năm 2006. Nơi đây có một bộ sưu tập lớn các tác phẩm nghệ thuật trang trí và ứng dụng từ thời Xô Viết. Ngoài ra còn có một triển lãm thường xuyên “Tại sao một đứa trẻ cần có gấu?”: Nó bao gồm 110 đồ chơi dân gian bằng đất sét, được tạo ra từ thế kỷ 19-20 bởi các thợ thủ công Nga, Belarus, Latvia, Uzbekistan, Tajik và Dagestan. Các buổi hòa nhạc và sự kiện sân khấu được tổ chức tại khoảng sân trung tâm.

Ba khối nhà kỵ binh

Ở phía bên kia của quảng trường là ba tòa nhà Kỵ binh một tầng tạo thành hình bán nguyệt. Cái tên này chỉ xuất hiện vào thế kỷ 20, và trong các bản vẽ của mình, Bazhenov gọi tòa nhà là “những ngôi nhà nhỏ” và không đề cập đến mục đích của chúng. Rất có thể, những kỵ binh, những cận thần lẽ ra phải sống trong đó.

Tòa nhà Kỵ đầu tiên có hình chữ Г tiếng Nga, bên trong có ba phòng: một phòng ở góc trung tâm và hai phòng phụ liền kề. Vào những năm 1870, nó được các quan chức và thương gia giàu có thuê làm biệt thự. Sau cuộc cách mạng, nơi đây trở thành Cung Xô Viết, một trại trẻ mồ côi và một trường dạy nhạc. Và kể từ năm 1995, cơ quan quản lý bảo tàng được đặt tại tòa nhà.

Tòa Kỵ binh số hai nằm là một gian nhà nhỏ hình bát giác. Tòa nhà này đã bị bỏ trống trong nhiều năm cho tới năm 1994, khu trưng bày đầu tiên đã được khai trương tại đây với mục đích giới thiệu các bộ sưu tập nghệ thuật chính của bảo tàng.

Trên một ngọn đồi gần hồ tọa lạc một tòa nhà với cửa sổ hình mũi mác, gờ hình bán nguyệt và tháp pháo – đây chính là tòa Kỵ binh thứ ba. Vào đầu thế kỷ 19, nơi đây có một quán rượu với một khách sạn. Và từ năm 1872, cố vấn đại học Ivan Davydov đã sống trong tòa nhà. Em trai của ông, nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ cello nổi tiếng Karl Davydov, thường đến thăm ông tại nhà nghỉ của mình. Anh ấy đã truyền tải những ấn tượng của mình về thời gian ở đây trong các bản nhạc "Nocturne" và "Mazurka", tạo nên bản hòa nhạc “Memories of Tsaritsyno” (Ký ức về Tsaritsyno).

Năm 1927, Bảo tàng Lịch sử, Nghệ thuật và Địa phương được mở trong tòa Kỵ binh số 3: Các bản vẽ của Bazhenov và các đồ vật từ các gò mộ tại Tsaritsyno được trưng bày trong đó. Trong những tháng mùa hè, bảo tàng thu hút hơn 15 nghìn người đến thăm. Tuy nhiên, vào những năm 1930, khu trưng bày của bảo tàng đã được thay đổi thành khu nông nghiệp, nó không còn được yêu thích và sớm đóng cửa. Bây giờ tòa nhà là nơi trưng bày thường xuyên bộ sưu tập “Dã thự Tsaritsyno” gồm các bức ảnh, nhật ký và đồ dùng cá nhân của các gia đình đã thuê nhà trong dinh thự.

Đền thờ Biểu tượng Mẹ Thiên Chúa “Suối nguồn sự sống”.

Giữa tòa Quân đoàn kỵ binh thứ hai và thứ ba là Nhà thờ Biểu tượng Đức Mẹ Thiên Chúa “Suối nguồn Sự sống” – công trình cổ nhất ở Tsaritsyno. Nhà thờ bằng gỗ đầu tiên xuất hiện ở đây vào thế kỷ 17. Vào năm 1759, Hoàng tử Matvey Kantemirkhi ấy còn rất trẻ tuổi đã xây dựng một nhà thờ bằng gạch với tháp chuông tại đây. Nhà thờ được trang trí với những họa tiết đá trắng hòa quyện hài hòa vào quần thể công viên. Tuy nhiên, trong Chiến tranh năm 1812, tòa nhà đã bị hư hại nặng. Vào cuối những năm 1880, tòa nhà được xây dựng lại để làm làng nghỉ mát, các bức tường bên trong được trang trí bằng tranh và phù điêu. Sau năm 1938, những người Bolshevik đóng cửa nhà thờ và phá hủy các đồ dùng và biểu tượng. Vào thời Xô Viết, tòa nhà có một trạm biến áp, một nhà in và các xưởng phục chế. Kể từ năm 1990, các hoạt động lễ nghi thần thánh đã được tổ chức trở lại trong nhà thờ. Tại đây, bạn có thể nhìn thấy những bức tranh và phù điêu phong cách baroque được bảo tồn từ thời trước cách mạng.

Cầu lớn bắc qua khe núi

Phía sau nhà thờ là Cầu Lớn bắc qua khe núi. Đây được coi là cây cầu lớn nhất của thế kỷ 18 còn tồn tại cho đến ngày nay: chiều dài của nó là 80 mét. Công trình bằng gạch đỏ được trang trí bằng các hình khối đá trắng, mái vòm của lối đi dưới gầm cầu giống như cổng của các nhà thờ mang phong cách Gothic.Vasily Bazhenov xây dựng cây cầu với ý đồ kết nối cung điện với “bên kia khe núi”, nơi ông sẽ xây dựng một cung quần ngựa. Cây cầu cũng là lối dẫn vào cung điện từ đường Kashirskaya: nó được sử dụng để đưa bánh mì đến Matxcova từ Yelet và Ryazan. Vào thế kỷ 19, cây cầu trở thành một phần của đường cao tốc Tsaritsynskoye, và sau đó, trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, những bánh xích xe tăng đã lăn qua cây cầu này. Chỉ đến cuối thế kỷ 20, người ta mới ngừng sử dụng cây cầu khi nó được xây dựng lại.

Nhà hát Opera

Nằm bên phải Cung điện Nhỏ là Nhà hát Lớn, hay Trung điện. Cung điện được thiết kế để tổ chức các buổi chiêu đãi nhỏ hay những buổi biểu diễn tại gia. Bên trong điện có sảnh lớn với trần hình vòm hỗ trợ cộng hưởng âm thanh tốt hơn. Hai căn phòng liền trước đó là những phòng tiếp khách nhỏ, nơi có thể gặp khách trước khi vào sảnh chính.

Việc xây dựng tòa nhà được hoàn thành vào năm 1785, nhưng nó không bao giờ được sử dụng đúng mục đích. Vào đầu thế kỷ 19, thương gia Leken, người đã thuê Cung điện Nhỏ để làm quán cà phê, đã lên kế hoạch tổ chức các buổi tối âm nhạc ở đây. Nhưng không may anh ta bị trục xuất khỏi đất nước mà chưa kịp thực hiện kế hoạch của mình. Đến năm 1825, mái của cung điện bị sập, và cây cối bắt đầu mọc um tùm. Chỉ sau lần trùng tu lớn đầu tiên, các buổi hòa nhạc và triển lãm mới bắt đầu được tổ chức tại đây.

Năm 2014, các tác phẩm điêu khắc do Bá tước Nikolai Sheremetev sưu tầm được trưng bày trong Nhà hát Lớn. Các cuộc triển lãm được chuyển đến Tsaritsyno từ Cung điện Ostankino trong khi nó đóng cửa để trùng tu. Trong số đó có một số bản gốc của thế kỷ thứ 2 và thứ 3 trước Công nguyên và các bản sao của các tác phẩm điêu khắc cổ đại: chúng được thực hiện vào thế kỷ 18 bởi các bậc thầy người Pháp và người Ý. Việc trang trí các căn phòng với những tác phẩm nghệ thuật như vậy là xu hướng điển hình dưới thời đại trì vì của Catherine II. Có lẽ, Vasily Bazhenov đã lên kế hoạch trang trí nội thất của Tsaritsyn theo cách tương tự.

Vườn kỵ sĩ

Bazhenov bắt đầu thiết kế vườn cảnh quan tại Tsarytsyno vào năm 1775. Nữ hoàng Catherine II ra lệnh cho kiến trúc sư xây dựng khu vườn “theo phong cách Anh”, nghĩa là sử dụng phần lớn cảnh quan thiên nhiên một cách tự nhiên nhất. 

Tuy nhiên, phía sau Cung điện Hoàng gia, kiến ​​trúc sư đã giữ lại “khu vườn hình học” của Kantemirov, những người chủ cũ của khu đất: nó bao gồm những bụi cây được cắt tỉa và những lối đi đối xứng. Bazhenov mở rộng công viên, trồng thêm nhiều cây bạch dương và thông, đồng thời đặt điểm nhấn bằng những cây bồ đề và cây sồi sẫm màu hơn. Và vào năm 1784, Nữ hoàng đã mời những người làm vườn người Anh, Francis Reed và Ion Murno, đến Tsaritsyno. Họ đã loại bỏ cây ăn quả khỏi phần trung tâm và đặt một mạng lưới đường đi quanh co.

Vào đầu thế kỷ 19, công viên trở thành một địa điểm nổi tiếng để đi dạo ngoài thị trấn. Người chịu trách nhiệm quản lý các cung điện và khu vườn ở Moscow, Pyotr Valuev, đã giao việc chăm sóc khu công viên này cho người làm vườn Karl Ungebauer và kiến ​​trúc sư Ivan Egotov. Ungebauer thay thế bạch dương bằng bồ đề và sồi, trồng thêm liễu ở bờ hồ và tạo ra vườn thượng uyển thay cho “khu vườn hình học” đã khô héo. Egotov trang trí công viên bằng các nhà nghỉ trú mưa, vọng lâu cảnh và những tác phẩm điêu khắc.

Nhà báo Pavel Svinin đã viết về Tsaritsyno vào năm 1816: “Những hồ nước rộng lớn, những con hẻm rợp bóng mát, cây xanh được trồng khéo léo, những con đường dài vô tận, những vọng lâu và những ngôi nhà nằm rải rác khắp nơi tạo ra nhiều ấn tượng khác nhau, và một chuyến đi dạo trong khu vườn Tsaritsyno sẽ luôn để lại những kỷ niệm thú vị nhất trong tâm hồn. ”

Dọc lối nhỏ buổi sáng

Bên cạnh Nhà hát Lớn (Opera) là Cổng hình, ngăn cách các phần cung điện và công viên của khu đất. Cổng vòm được trang trí bằng đá trắng tương tự như một dây leo nho, bởi vậy mà cổng còn có tên gọi khác là Cổng nho. Qua cánh cổng ấy là bắt đầu “Lối nhỏ buổi sáng” – được đặt vào cuối thế kỷ 18 bởi Francis Reed. Đi bộ dọc theo cung đường này, bạn có thể chiêm ngưỡng quang cảnh của hồ và bờ đối diện, đặc biệt đẹp tuyệt vời dưới ánh nắng ban mai. Sau đó, cây cối và các tòa nhà mới đã chắn một phần tầm nhìn, nhưng cái tên “lối nhỏ buổi sáng” này vẫn còn cho tới bây giờ.

Con đường dẫn đến đình Milovida. Vào những năm 1800, nơi có tầm nhìn đẹp nhất ra vịnh của Hồ thượng Tsaritsyno với một hòn đảo nhân tạo được mở ra từ đây, đó là lý do tại sao tòa nhà có tên như vậy. Đình được xây dựng theo phong cách cổ điển: có một phòng trưng bày hình vòm với các cột ở trung tâm, và bốn sảnh khách ở các góc. Cũng vào đầu thế kỷ 19, đỉnh được trang trí bằng các tác phẩm điêu khắc và phù điêu.

Nếu bạn đi sâu hơn vào lối nhỏ, bạn sẽ đến một tòa tháp đổ nát. Đây là tên của một bức tường đổ nát bằng gạch và đá trắng. Vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, việc trang trí các công viên bằng những tàn tích nhân tạo theo phong cách thời trung cổ đã trở thành mốt. Do đó, vào năm 1804, Ivan Yegotov đã cho dựng một ngọn tháp như vậy ở Tsaritsyno. 

Nó được trao vương miện bằng một vọng lâu nhỏ với bốn cột. Du khách leo lên nó dọc theo một cầu thang đá dốc, rêu trang trí mọc um tùm. Việc đi xuống khó khăn hơn nhiều so với việc đi lên, đó là lý do tại sao tàn tích còn được gọi là “Cầu thang của quỷ”. Trong quá trình tái thiết, tháp đã được phục hồi mà không có vọng lâu.

Phía nam của công viên

Tại tháp đổ nát, con đường nhỏ ngả rẽ trái dẫn tới đại lộ Bolshoy. Đi theo đại lộ  đến một ngã ba lớn và rẽ phải, bạn sẽ thấy một phòng trưng bày nhỏ với lối đi xuyên suốt và mái vòm thấp – đình Nerastankino. Một số nhà nghiên cứu tin rằng nó được đặt tên như vậy để vinh danh cảnh quan xung quanh: bạn “sẽ không chia xa nơi đây”.

Phía sau đình “không chia xa” là một khe núi, nơi có 3 cây cầu nhỏ bắc qua. Chúng được trang trí bằng đá đẽo thô, gọi là những cây cầu kỳ cục. Đi dọc theo cầu sẽ tới vọng lâu “Đền Ceres”. Egotov xây dựng công trình này vào năm 1805 tại nơi mà vào mùa hè năm 1775, Nữ hoàng Catherine II đã nghỉ ngơi trong một túp lều và xem lễ hội làm cỏ khô của làng. Để tưởng nhớ sự kiện này, kiến ​​trúc sư đã trang trí vọng lâu bằng một bức tượng nữ thần sinh sản của La Mã cổ đại Ceres với chiếc lá mạ vàng trên tay. Vào cuối thế kỷ 19, tác phẩm điêu khắc biến mất khỏi công viên, và vào năm 2007, nó được thay thế bằng một bản sao hiện đại do Alexander Burganov thực hiện.

Đối diện “Đền Ceres”, ở giữa hồ, là “Đảo tiên cá”. Đảo được đắp dưới thời các hoàng tử Cantemir để nuôi vịt và ngỗng. Theo truyền thuyết, vào mùa hè năm 1775, Catherine II đã cho dựng một nhà hát ngoài trời tại đây. Theo một cách bí mật nào đó, các cô gái đến hòn đảo và đột nhiên xuất hiện ở đó như những nàng tiên cá, đó là lý do tại sao nó có tên như vậy. Và Catherine II đã xem buổi biểu diễn từ trên đỉnh đồi – trong đình Nerastankino.

Năm 1804, Yegotov quyết định biến hòn đảo thành nơi lãng mạn nhất trong công viên. Ông trang trí nó bằng một tàn tích nhỏ bằng đá trắng và chia cắt nó với một con rạch nhỏ. Các cặp đôi đang yêu có thể bơi thuyền dưới vòm và ngắm cảnh. Chính tại đây, nhà văn Ivan Turgenev đã đưa nữ ca sĩ Pauline Viardot đến trong một buổi hẹn hò đầy lãng mạn.

Hồ nước

Hồ xuất hiện trong khu đất vào giữa thế kỷ 17. Người ta nuôi rất nhiều loại cá trong hồ như cá diếc, cá tráp, cá tầm,… và nước từ hồ được lấy để tưới cây trồng trong nhà kính. Gia đình Cantemirs đã tạo ra một số đảo nhân tạo trên hồ, và dưới thời Catherine II, hồ chứa được mở rộng và đào sâu hơn. Hoàng hậu thích đi thuyền dạo trên hồ cùng với người tình của mình là Bá tước Grigory Potemkin. Tuy nhiên, sau khi bà qua đời, ao cỏ mọc um tùm. Người đứng đầu các cung điện và khu vườn ở Moscow, Pyotr Valuev đã tái thiết lại nó vào năm 1804.

Hiện ở Tsaritsyno có tổng 3 cầu tàu (bến cảng). Vào mùa hè, bạn có thể đi tàu máy hay thuyền ở đây.

Nhà kính

Sau khi đi bộ dọc theo phần phía nam của công viên, hãy quay trở lại Bolshoy Prospekt. Bạn sẽ thấy Cổng nhà kính – một lối vào khác của công viên. Nếu bạn rẽ trái, bạn sẽ đi ra những nhà kính xuất hiện ở Tsaritsyno dưới thời Kantemirs. Catherine II tiếp tục trồng các loại cây lạ trong khu đất, và đến giữa những năm 1780 đã có hơn 10 nghìn cây. Để chứa tất cả chúng, Vasily Bazhenov đã dựng lên một khu phức hợp gồm ba tòa nhà bằng đá. Vào thời điểm đó, chúng được quản lý bởi nhà lai tạo thực vật người Đức Johann Rak.

Sau khi Catherine II qua đời, người đứng đầu các cung điện và khu vườn ở Moscow, Pyotr Valuev, tiếp quản công việc chăm sóc khu vườn. Các nhà kính mới đã xuất hiện trong khu đất này, và đến đầu những năm 1840, Tsaritsyno trở thành nơi cung cấp trái cây và quả mọng chính cho Moscow. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 19, những nhà kính đổ nát đã bị phá bỏ và những ngôi nhà gỗ được xây dựng ở vị trí của chúng. Khu phức hợp đã được phục hồi theo các bản vẽ và kiểm kê còn sót lại của thế kỷ 18 chỉ vào năm 2008. Dưới thời Catherine II, nho, sung, lựu, xương rồng, hoa vân anh, cam quýt và các loại cây kỳ lạ khác được trồng ở đây. Khu phức hợp Nhà kính là nơi tổ chức các cuộc tham quan và hội thảo sinh thái giáo dục.

Làm thế nào để đến khu phức hợp bảo tàng?

Bảo tàng nằm ở Moscow, trên đường Dolskaya, 1. Bạn có thể đến nó bằng tàu điện ngầm. Cổng trung tâm nằm ngay cạnh ga Tsaritsyno. Rẽ trái từ lối ra số 3, đi bộ tới đường và rẽ phải dưới cầu. Bạn sẽ thấy lối vào chính của khu bảo tồn.

Ngoài ra bạn có thể đi từ ga tàu điện ngầm “Orekhovo”: đi lên đường từ Lối ra số 2 và rẽ phải về phía Cổng Nhà kính.

 

Bảo tàng mở cửa từ 10:00 đến 18:00 hàng ngày trừ thứ Hai. Mọi công dân được miến phí tham quan vườn. Để có thể tham quan các khu trưng bày và triển lãm thường trực trong các tòa nhà của khu phức hợp, bạn cần mua vé trước trên trang web chính thức.

Bảo tàng thường tổ chức các chuyến tham quan quần thể cung điện, đêm Tsaritsyno, Cung điện Hoàng gia và nhà kính, bạn cần mua một vé riêng. Nơi đây cũng thường tổ chức các buổi hòa nhạc và triển lãm âm nhạc cổ điển.

Trước khi tới đây, hãy đọc các quy tắc hiện hành về thăm quan. Lịch làm việc và mở cửa công viên, bảo tàng thể thay đổi do ảnh hưởng của đại dịch coronavirus.

Amber Tour tổng hợp

 

 
back to top