Giỏ hàng

MASLENHITSA - LỄ HỘI TIỄN MÙA ĐÔNG Ở NƯỚC NGA

Lễ tiễn mùa đông Maslenitsa là lễ hội truyền thống của người dân Nga nhằm tiễn biệt mùa đông lạnh lẽo và chào đón mùa xuân tràn đầy sức sống. Tên gọi "Maslenitsa" (có gốc nghĩa là “bơ”) bắt nguồn từ việc vào tuần lễ cuối cùng trước khi kỳ lễ ăn chay của người Cơ Đốc giáo bắt đầu, mọi người được phép ăn các món từ sữa, cá, cũng như sử dụng bơ và các loại dầu ăn.

Năm 2024, lễ hội Maslenitsa kéo dài từ ngày 11 đến ngày 17 tháng 3, với một loạt các hoạt động sôi động và hấp dẫn nhằm kỷ niệm và chào đón mùa xuân mới. Từ các trò chơi truyền thống đến những buổi tiệc và hoạt động nghệ thuật, lễ hội này thu hút đông đảo người tham gia và du khách. Đây là một trong những lễ hội dân gian vui vẻ và khó quên nhất ở xứ sở bạch dương.

Khởi nguồn từ thời kỳ sản xuất nông nghiệp, vào mùa đông, người nông dân không thể trồng cấy trong giá lạnh và băng tuyết, nên một lễ hội như vậy có phần nào giống với lễ hội cầu mưa ở nhiều nơi trên thế giới.

Lễ hội cộng đồng này thường được tổ chức ở nơi đông người như ngã tư đường, quảng trường, bãi đất trống, cánh rừng trong buổi đêm. Điểm đặc sắc nhất của lễ hội chính là màn đốt hình rộm bằng rơm, tượng trưng cho giá lạnh mùa đông, nhằm xua đuổi những điều không may và chào đón một mùa màng bội thu cùng những điều tốt lành.

Các hoạt động trong lễ hội không chỉ giới hạn trong ngày một hay hai, mà kéo dài suốt một tuần, không cố định, tùy thuộc vào lịch lễ ăn chay truyền thống của người dân Nga. Mỗi ngày trong tuần lễ hội đều mang một tên gọi riêng, đi kèm với các nghi lễ và hoạt động đặc biệt.

Thứ 2 gọi là "Ngày gặp gỡ". Theo truyền thống, vào ngày này, người dân sẽ dựng lên một hình nộm tượng trưng cho mùa đông, làm bằng rơm và mặc cho chúng quần áo. Sau đó, đưa chúng lên những ngọn đồi cao. Ngày nay, những hình nộm này không nhất thiết phải làm bằng rơm. Phong tục này còn kèm theo những hoạt động tập thể rất vui nhộn như chơi các trò hay cùng nhau hát những điệu hát truyền thống... Đây không chỉ là các hoạt động nhằm tạo ra không khí vui vẻ mà còn là một phong tục từ xa xưa với hi vọng may mắn sẽ đến sau một mùa đông lạnh giá.

Thứ 3 là ngày "Xem mặt". Từ ngày hôm đó, người Nga sẽ bắt đầu tham gia các hoạt động như cưỡi xe trượt tuyết, tham gia thi hát dân ca và múa rối. Mọi nẻo đường sẽ chật kín người dân trong các trang phục lễ hội nhiều sắc màu và đeo mặt nạ. Họ sẽ tới thăm nhà những người hàng xóm, bắt đầu từ nhà những người lớn tuổi nhất. Đây cũng là cơ hội cho các chàng trai được xem mặt các cô gái để tán tỉnh hoặc lấy làm vợ.

Thứ 4 là ngày "Ăn uống". Các gia đình sẽ mở tiệc với các món ăn ngon như bánh Blin, bánh nướng và bia ủ. Các gian hàng bày bán đồ ăn cũng xuất hiện ở khắp mọi nơi. Đặc biệt, họ có bán sbiten nóng (làm từ mật ong, nước và một số gia vị) các loạt hạt, bánh gừng và trà. Trong ngày này, chàng rể sẽ đến nhà mẹ vợ ăn bánh blin cùng bạn bè bên nhà vợ. 

Ngày thứ 5 là ngày "Ăn chơi", bắt đầu đại lễ Maslenitsa. Trước đó, người dân vẫn làm một số công việc hàng ngày thì từ ngày thứ 5, họ chỉ còn vui chơi và lễ hội. Những trò chơi thu hút được đông đảo người tham gia phải để đến như cưỡi ngựa, đấu vật, ném tu‎yết. Những trò chơi này mang ý nghĩa rũ bỏ mọi phần u ám trong năm trước, cũng như gỡ bỏ mọi mâu thuẫn giữa mọi người.

Thứ 6 được gọi là "ngày mẹ vợ" nếu ngày thứ 4 con rể được mẹ vợ thết đãi với nhiều món ngon thì tới ngày thứ 6, các chàng sẽ tới lượt tiếp đón mẹ vợ ngay tại nhà mình với các món ăn do con gái tự tay sửa soạn. Vào ngày trước, mẹ vợ phải gửi cho con rể mọi thứ cần thiết để làm bánh blin như chảo, muối... còn bố vợ sẽ gửi kiều mạch và bơ.

Ngày thứ 7 là chị em chồng tụ họp, ngày cô con dâu sẽ cùng chồng thăm các chị em gái bên chồng. Tùy xem chị em chồng đã có gia đình hay chưa mà cô dâu có thể rủ theo các bạn gái đã có hoặc chưa có gia đình của mình cùng đi.

Ngày cuối cùng của Maslenitsa - Chủ nhật "Ngày tha thứ ". Mọi người sẽ tha thứ hết tất cả những lỗi lầm và khúc mắc đã có trong năm qua. Những đôi bạn trẻ sẽ tới thăm họ hàng và mang theo những món quà nhỏ xinh xắn. Vào ngày ngày, người ta sẽ đốt đi hình nộm từ ngày đầu tiên tượng trưng cho mùa đông để xua tan đi giá lạnh và hy vọng một mùa xuân mới, mùa màng mới thật bội thu. Tro của hình nộm bà già mùa đông sẽ được chôn dưới tuyết. Sau khi đã hoàn thành các thủ tục thì lễ hội ăn chay của người cơ đốc giáo bắt đầu.

back to top