CƠ HỘI CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG NGA
Vào thứ 6, ngày 21/08/2020 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại và Hội nghị Quốc tế (FSC) cùng thành viên Cộng đồng người Việt tại thành phố Saint Petersburg, LB Nga, Trung tâm chiến lược Nga tại Châu Á – Viện Hàn lâm Khoa học Nga phối hợp tổ chức thành công Hội thảo trực tuyến “Kinh nghiệm ứng phó của doanh nghiệp trong vùng dịch và phương pháp thâm nhập thị trường Liên bang Nga”. Hội thảo là nơi chia sẻ với doanh nghiệp Việt Nam kinh nghiệm thực tế để ứng phó và hoạt động trong vùng dịch cũng như giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về những tiềm năng, thách thức và cách thức thâm nhập vào thị trường rộng lớn, nhiều triển vọng này.
Tham dự Hội thảo có sự góp mặt của các lãnh đạo FSC. Từ đầu cầu LB Nga là sự đồng hành của 2 diễn giả: Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Chuyên gia Trung tâm chiến lược Nga tại Châu Á, Viện Kinh tế Hàn lâm Khoa học Nga, Đại diện Hội luật gia Việt Nam tại LB Nga; và Ông Đào Đại Hải – Doanh nhân, Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại Hội người Việt tại Saint Petersburg. Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 30 doanh nghiệp tại TP.HCM, Gia Lai, Lâm Đồng..., Đại diện các Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM và một số địa phương phía Nam.
Trung tâm Dịch vụ đối ngoại và Hội nghị quốc tế (FSC) chủ trì đầu cầu Ban tổ chức Hội thảo trực tuyến tại TP.HCM.
Trong phần một của chương trình, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng đã có những chia sẻ với doanh nghiệp về ảnh hưởng của đại dịch Covid đến phát triển kinh tế của Nga và Việt Nam, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nga và một số gợi mở và đề xuất cho hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – LB Nga trong bối cảnh bình thường mới.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Chuyên gia Trung tâm Chiến lược Nga tại Châu Á – Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Nga chia sẻ với doanh nghiệp Việt Nam từ đầu cầu Matxcova.
Ông Đào Đại Hải – Tổng Giám đốc công ty lữ hành quốc tế Amber Tour – một doanh nhân đã có 32 năm hoạt động tại thị trường LB Nga đưa ra những thông tin sát thực, đầy đủ và hữu ích liên quan đến vấn đề nhu cầu và triển vọng của thị trường Nga đối với hàng Việt Nam, những rủi ro, con đường tiếp cận thị trường, các yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hoá khi xuất khẩu sang Nga, quy trình xuất khẩu, một số lưu ý và gợi ý cho doanh nghiệp.
Ông Đào Đại Hải – Tổng Giám đốc công ty lữ hành quốc tế Amber Tour.
Chia sẻ quá trình hình thành và phát triển, ông Hải cho biết năm 2005 ông đã xin đất dự án ở Hưng Yên, lập nhà máy sản xuất rau quả đóng hộp: dưa chuột, cà chua, dứa...và làm việc ổn định từ đó đến bây giờ, sản lượng mỗi năm khoảng 200-300 conts, chưa tính đến thu mua thêm bên ngoài.
Năm 2008, ông tiếp tục lập một công ty logistics phục vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu sang Nga; hàng thủ công mỹ nghệ, hàng thực phẩm các loại, vật liệu xây dựng: Công ty có khả năng lo từ A đến Z: xuất từ Việt Nam, vận tải biển, vận tải nội địa Nga, khai thuê thuế, chứng từ, tài chính.
Năm 2014 ông sáng lập công ty lữ hành Amber Tour với chức năng tổ chức du lịch nội địa và quốc tế, hội thảo, xúc tiến thương mại, cùng những sản phẩm đặc trưng là các tour Nga và Bắc Âu. Amber Tour kể từ đó luôn luôn vận động, phát triển và thay đổi theo hướng tích cực, ngày càng được nhiều khách hàng tin tưởng sử dụng dịch vụ. Năm 2019 ông mở ra một nhà hàng nằm ngay tại trung tâm Thành phố Saint-Petersburg, LB Nga mang tên tên Nem Nem.
Với quá trình trên, ông Hải chia sẻ những thông tin xuất phát gần như 100% từ những kinh nghiệp và hiểu biết của bản thân với hy vọng có thể phác thảo được sơ lược về thị trường Nga, giải thích phần nào việc hàng Việt Nam thâm nhập được rất ít vào đây, và cũng hy vọng giúp các doanh nghiệp giải quyết được một câu hỏi đơn giản nhất là có nên quan tâm đến thị trường này không, các hướng đi khả dĩ là như thế nào. Đi vào chi tiết, ông nhấn mạnh vào 3 điểm chính: Nhu cầu và triển vọng của thị trường Nga đối với hàng Việt nam; Những điều đáng lưu ý về logistic; Gợi ý về lập pháp nhân, xúc tiến thị trường.
Sau những chia sẻ chân thành của các diễn giả, Hội thảo tiến đến phần trao đổi – hỏi đáp vô cùng sôi nổi đến từ các doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp tỏ ra rất hứng thú với thị trường Nga và muốn đưa những sản phẩm từ truyền thống như trà, cà phê, gạo và các mặt hàng làm từ gạo, hải sản; cho tới những sản phẩm mới như nước ép trái cây, dược phẩm đông y, tinh dầu,... Ông Đào Đại Hải cùng các diễn giả nhiệt tình trả lời, tư vấn và chia sẻ đối với những câu hỏi của các doanh nghiệp.
Hội thảo nhận được đánh giá tích cực từ phía khách mời và doanh nghiệp về nội dung và kỹ thuật tổ chức. Thành công của sự kiện tạo động lực để FSC tiếp tục tổ chức nhiều diễn đàn kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần nâng cao vai trò của doanh nghiệp kiểu bào trong việc xúc tiến kinh tế, giao thương giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.