Giá của một bức chân dung: Mất bao nhiêu để bất tử hóa bản thân trong một bức tranh
Lịch sử tranh chân dung Nga theo trường phái “hiện thực” có lẽ bắt đầu từ năm 1702, khi Peter Đại Đế mời những bậc thầy hội họa Tây Âu đến Nga, đồng thời ban hành một sắc lệnh hứa hẹn một phần thưởng hậu hĩnh “để nuôi dưỡng nghệ thuật của họ”. Vậy là những họa sĩ nước ngoài đến Nga đã truyền dạy tay nghề cho các họa sĩ trong nước. Kể từ đó, những họa sĩ chân dung hàng đầu của Nga đã có nguồn thu nhập cực ổn định và những khách hàng thân thiết có tầm ảnh hưởng. Hãy cùng Amber Tour tìm hiểu về bảy bức chân dung nổi tiếng hội họa Nga đã được vẽ như thế nào và chúng đáng giá bao nhiêu lúc bấy giờ.
Fedor Rokotov. “Chân dung Catherine II” (1763)
Rokotov là một trong những họa sĩ vẽ chân dung nổi tiếng nhất nửa sau thế kỷ 18. Đến năm 30 tuổi, ông đã sở hữu xưởng nghệ thuật riêng với nhiều học trò cùng ông hoàn thiện những đơn đặt hàng nhiều “như nước chảy”. Nhà viết kịch Ivan Dolgorukov đã viết vào những năm 1760: “Tôi mua bức chân dung của mẹ từ ông ấy với giá năm mươi rúp – giá của chính Rokotov vào thời điểm đó.” Vào thời kỳ mà chế độ nông nô vẫn còn tồn tại, một nông nô trẻ, khỏe mạnh được ước tính khoảng 50 rúp. Phụ nữ, trẻ em và người già có giá rẻ hơn nhiều.
Theo thời gian, họa sĩ đã tăng phí vẽ tranh lên 100 rúp. “Vào năm 1763, xuất phát từ mong muốn cá nhân, ông đã vẽ một bức chân dung toàn thân của Nữ hoàng Catherine II. Trong bức tranh, Nữ hoàng đang ngồi trên ngai, nội thất phía sau được khắc họa bởi lối kiến trúc đầy quyền lực và mạnh mẽ, có thể thấy được tài năng và nhiều ẩn ý của tác giả. Người ta nói rằng Nữ hoàng đã thưởng cho họa sĩ 500 rúp như một món quà”, học giả thế kỷ XVIII – Jacob Shtelin cho biết trong “Ghi chú về mỹ thuật ở Nga”.
Catherine II vô cùng yêu thích hình ảnh đặc biệt này của bà, vì vậy nhiều quý tộc muốn có một bức chân dung của Nữ hoàng đã đặt hàng các bản sao của bức tranh. Có hai phiên bản được biết đến với bức chân dung Nữ hoàng của Rokotov, một bức được lưu giữ trong Khu bảo tồn Pavlovsk, bức còn lại nằm trong Phòng trưng bày Tretyakov, Moscow.
Orest Kiprensky. “Chân dung A.S. Pushkin” (1827)
Orest Kiprensky trở thành người tiên phong trong lớp họa sĩ vẽ chân dung lãng mạn Nga vào thế kỷ XIX. Năm 1814, Thái hậu Maria Feodorovna đã trả cho họa sĩ 2400 rúp cho hai bức chân dung của Đại công tước Nikolai Pavlovich và Mikhail Pavlovich. Con số này gấp hai lần mức lương hàng năm của một viên chức hạng 2 – một ủy viên hội đồng cơ mật. Năm 1824, Kiprensky vẽ một bức chân dung nghi lễ của người bạn và cũng là người bảo trợ cho mình, Công tước Dmitry Sheremetev. Một đại diện của gia đình Sheremetev là Vasily Sergeevich đã mua lại bức tranh với giá 15000 rúp để trang trí cho phòng ăn Nhà tế bần (Sau này là Bệnh viện – Viện cứu thương tại Moscow). Chỉ có các bộ trưởng mới có thể kiếm được số tiền này trong một năm – với số tiền lương được trả thêm là 12000 rúp.
Năm 1827, sau khi bị đày ải ở Mikhailovskoye và một năm lưu lạc, Alexander Pushkin trở về đô thành St. Petersburg. Nhân cơ hội này, Anton Delvig – một người bạn của nhà thơ đã đề nghị Kiprensky vẽ chân dung Pushkin với giá một nghìn rúp – số tiền đó có thể mua được năm con ngựa tốt.
Pushkin tạo dáng trong Cung điện Sheremetev, nơi đặt xưởng của Kiprensky. Theo những người đương thời, đây là bức chân dung tuyệt nhất của Pushkin. Sau cái chết của Delvig vào năm 1831, nhà thơ đã mua lại bức tranh từ người vợ góa của bạn mình với đúng giá 1000 rúp. Năm 1916, Hội đồng của Phòng trưng bày Tretyakov đã mua lại nó từ cháu trai của nhà thơ là Grigory Pushkin.
Karl Bryullov. “Chân dung V.A. Zhukovsky” (1838)
Nhắc đến Bryullov, người ta không thể không nhắc tới biệt danh mà những người đương thời đặt cho ông: “Karl vĩ đại” với những khách hàng cực kỳ hào phóng cho các tác phẩm của ông. Đối với một bản sao bức bích họa “Trường học Athens” của Raphael được tạo ra ở Ý cho Học viện Nghệ thuật, Bryullov được trả 10 nghìn rúp, và Nga hoàng yêu cầu trả thêm cho ông thêm 5 nghìn rúp nữa. Người bảo trợ Anatoly Demidov đã đặt mua bức tranh hoành tráng “Ngày cuối cùng của Pompeii” của ông với giá 40 nghìn franc. Nhưng có lẽ số phận bất thường nhất trong số những kiệt tác của Bryullov phải kể đến bức “Chân dung Vasily Zhukovsky”.
Năm 1836, các nghệ sĩ và nhà văn ở St.Petersburg đã gặp “họa sĩ” nông nô Taras Shevchenko. Địa chủ Pavel Engelhardt đã gửi anh ta đến thủ đô để đào tạo nhằm biến anh ta thành một thợ sơn nhà bởi anh ta rất có năng khiếu hội họa. Các nhân vật văn hóa đã cố gắng thương lượng với Engelhardt về việc thả Shevchenko. Engelhardt cuối cùng đã chỉ định một khoản tiền chuộc chưa từng có – 2500 rúp. Một nông nô được đào tạo về thủ công hoặc nghệ thuật vào thời điểm đó có giá trung bình là một nghìn rúp, số tiền tương đương một năm mà một đại lý doanh nghiệp thương mại nhận được.
Để quyên góp tiền, Bryullov quyết định vẽ một bức chân dung của Zhukovsky, và nhà thơ đã trưng bày hình ảnh của mình tại buổi quay xổ số hoàng gia – một thú vui thời thượng lúc bấy giờ. Hoàng hậu Alexandra Feodorovna đã mua vé với giá bốn trăm rúp, Đại công tước Maria Nikolaevna và người thừa kế Alexander Nikolaevich đầu tư mỗi người ba trăm rúp. 1500 rúp còn lại được gom góp từ bạn bè và người quen.
Vào ngày 22 tháng 4 năm 1838, bức tranh đã được mua cho nhà thơ và Taras Shevchenko. Và hoàng hậu, người được coi là chủ nhân chính thức của bức chân dung, không yêu cầu phải mang tác phẩm đó đến cung điện. Kết quả là, bức chân dung đã đến tay nhà sưu tập Vasily Kokorev, và từ ông đến tay Pavel Tretyakov. Vào thời Liên Xô, bức tranh được chuyển từ Phòng trưng bày Tretyakov đến Bảo tàng Taras Shevchenko ở Kiev.
Vasily Perov. “Chân dung F.M. Dostoevsky” (1872)
Vào cuối những năm 1860, thương gia – nhà sưu tập Pavel Tretyakov ở Moscow đã lên ý tưởng sưu tập chân dung mô tả các nhân vật nổi bật của văn hóa Nga. Tretyakov mua những bức chân dung đã vẽ trước đó và đặt hàng những bức mới từ các họa sĩ. Vasily Perov là một trong những người đầu tiên đáp lại lời đề nghị từ Tretyakov. Năm 1869, ông đã tạo ra bức chân dung của nhà văn Alexei Pisemsky và bán bức tranh với giá 350 rúp bạc. Số tiền có vẻ khá khiêm tốn theo tiêu chuẩn của những họa sĩ tài năng nhất bấy giờ, nhưng bức chân dung cũng được đánh giá là một tác phẩm “thính phòng”, “nhanh chóng”. Nhiều người đồng ý với mức phí như vậy vì mong muốn bảo tồn diện mạo của những tác phẩm vĩ đại cùng thời cho hậu thế.
Sau đó, Tretyakov đã ủy quyền cho Perov vẽ các bức chân dung của Alexander Ostrovsky, Apollo Maikov, Vladimir Dahl, Ivan Turgenev và nhiều người khác, nhưng nổi tiếng nhất là bức chân dung của Fyodor Dostoevsky. Tretyakov đề nghị trả 600 rúp cho họa sĩ, tương đương với giá của hai con ngựa tốt.
Có tin rằng họa sĩ sẽ đến St.Petersburg để vẽ Dostoevsky vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 1872. Vợ của nhà văn, Anna Dostoevskaya “tin rằng việc này sẽ hoàn toàn thất bại” vì tính cách khó hiểu của chồng mình. Nhưng họa sĩ đã tìm được cách tiếp cận nhà văn: trước khi cầm cọ, ông thường đến thăm, xem nhà văn và cuối cùng trở thành bạn của ông.
Trong hồi ký của mình, Anna Dostoevskaya viết: “Perov… đã có thể nhận thấy những biểu hiện đặc trưng nhất trên khuôn mặt của chồng tôi, chính xác là biểu hiện của Fyodor Mikhailovich khi ông đắm chìm trong những suy nghĩ nghệ thuật của mình. Có thể nói rằng Perov đã bắt được “khoảnh khắc sáng tạo của Dostoevsky” trong bức chân dung ấy.”
Ivan Kramskoy. “Chân dung L.N. Tolstoy” (1873)
Một người mẫu “khó nhằn” khác là Lev Tolstoy. Năm 1869, nhà văn từ chối lời đề nghị vẽ chân dung từ Tretyakov. Sự giúp đỡ bất ngờ đến từ Ivan Kramskoy, một họa sĩ nổi tiếng và được trả thù lao hậu hĩnh. Ví dụ như ông đã bán bức tranh “Chúa Kitô trên sa mạc” cho Tretyakov với giá 6000 rúp. Và vào cuối đời, ông đã lấy 5000 rúp cho một bức chân dung bình thường, số tiền mà phải mất 10 năm một giáo viên Moscow với kinh nghiệm dày dặn mới có thể kiếm được.
Kramskoy là bạn với Fyodor Vasiliev, một nghệ sĩ tài năng đã chết vì bệnh lao ở tuổi 23. Vào mùa hè năm 1873, khi Vasiliev đang rất tệ, Kramskoy viết thư cho Tretyakov từ căn nhà gỗ gần Kozlova Zaseka: “... Vì vậy, anh ấy đang rất cần tiền, khoảng 1000 rúp bạc ... Tôi rất buồn vì giới hội họa Nga sắp mất đi một thiên tài ... Không biết tôi sẽ chuẩn bị những gì để trả món nợ này cho ngài, nhưng tôi sẽ dùng hết sức để vẽ một bức chân dung của Bá tước Tolstoy, người hóa ra là hàng xóm của tôi. Điền trang của ông ấy ở làng Yasnaya Polyana cách chúng tôi chừng 5 verst (khoảng hơn 5km).”
Kramskoy đã giữ lời hứa của mình. Để đổi lấy tiền cho bạn, ông đã vẽ hai bức chân dung của Tolstoy: một bức cho bộ sưu tập Tretyakov và bức còn lại cho gia đình nhà văn. Trong một bức thư hoa sĩ đã tiết lộ cách ông thuyết phục được Bá tước tạo dáng: “... Tôi rất tôn trọng lý do tại sao Ngài từ chối vẽ tranh ... nhưng bức chân dung của Ngài dầu sao cũng sẽ được treo trong phòng trưng bày. “Vì sao vậy?” – “... trong 30, 40, 50 năm nữa tranh sẽ được vẽ, và lúc đó chỉ còn tiếc rằng bức chân dung đã không được vẽ đúng thời điểm mà thôi.”
Ilya Repin. “Chân dung M.P. Mussorgsky” (1881)
Ilya Repin, cùng với Perov và Kramskoy, đã tích cực bổ sung bộ sưu tập tranh của Phòng trưng bày Tretyakov. Những bức tranh sơn dầu khổ lớn với nhiều nhân vật của Repin có giá trên trời. Có thể kể đến như việc Đại công tước Vladimir Alexandrovich đã mua bức “Những người kéo thuyền trên sông Volga” của họa sĩ 29 tuổi với giá 3000 rúp. Hay bức tranh “Những người Cô-dắc viết thư cho Sultan Thổ Nhĩ Kỳ” mà Repin mất tới hơn 10 năm để hoàn thiện được chính Hoàng đế Alexander III mua với giá 35000 rúp. Số tiền này đủ để Repin mua dinh thự rộng lớn gần Vitebsk (bây giờ là bảo tàng – dinh thự Ilya Repin “Zdravnevo”).
Nhưng một lần, Repin đã dứt khoát từ chối không nhận tiền tranh. Đó là vào tháng 3 năm 1881, khi họa sĩ quyết định vẽ một bức chân dung của bạn mình, nhà soạn nhạc Modest Mussorgsky. Mussorgsky ốm nặng và đang nằm trong bệnh viện Nikolaev ở St.Petersburg. Repin sáng tác trong một phòng bệnh nhỏ không có giá vẽ. Tác phẩm được hoàn thiện chỉ trong bốn phiên, và 10 ngày sau, vào ngày 28 tháng 3, Mussorgsky đã ra đi.
Sau khi biết về bức chân dung, Pavel Tretyakov ngay lập tức muốn mua nó và gửi 400 rúp cho Repin. Repin sẵn sàng đồng ý tặng bức chân dung cho phòng tranh, nhưng không lấy tiền mà gửi số tiền đó để đặt bia mộ cho nhà soạn nhạc.
Valentin Serov. “Cô gái trong ánh nắng” (1888)
Vào đầu thế kỷ 20, Valentin Serov là một họa sĩ thời thượng. Ông vẽ thành viên của gia đình hoàng gia và các ông trùm công nghiệp, các nghệ sĩ nổi tiếng và thậm chí là cả những đồng nghiệp của mình. Năm 1902, một trong số những người phụ nữ giàu nhất nước Nga – Công chúa Zinaida Yusupova đã đặt mua bốn bức chân dung của Serov với mức giá 5000 rúp. Trung bình, một bức chân dung của Serov có giá khoảng hơn 1000 rúp, tương đương với số tiền được giới văn học và nghệ thuật Moscow trả vào năm 1905 cho một bức chân dung của nữ diễn viên Maria Ermolova. Số tiền này tương đương với ba tháng lương của các đại biểu Duma Quốc gia, những người nhận được 350 rúp một tháng vào năm 1908.
Tuy nhiên theo lời kể của họa sĩ kiêm nhà phê bình nghệ thuật Igor Grabar, Serov coi tác phẩm hay nhất của mình là “bức phác thảo” được tạo ra năm ông 23 tuổi, đó là một bức chân dung của người em họ Maria Simonovich: “Tôi đã vẽ bức tranh này, và sau đó trong suốt cuộc đời mình, dù có cố gắng thế nào đi chăng nữa, thì cũng chẳng có gì nên hồn, mọi thứ bế tắc ở đây ...” Bức tranh lần đầu tiên được triển lãm với tựa đề “Phác họa một cô gái”, và sau đó được biết đến với cái tên “Cô gái trong ánh nắng”.
Serov vẽ bức tranh trong ba tháng hè ở điền trang Domotkanovo gần Tver. Maria Simonovich sau này nhớ lại: “Những phiên vẽ được thực hiện vào buổi sáng và buổi chiều, suốt cả ngày. Anh ấy nghiên cứu và vẽ khuôn mặt vào buổi sáng dưới cùng một ánh sáng, và vào buổi chiều, khi ánh sáng thay đổi, anh ấy vẽ phụ kiện, bàn tay, quần áo và phong cảnh”. Để biết ơn sự kiên nhẫn của cô, người nghệ sĩ nghèo chỉ có thể đưa cho em họ 3 rúp. Nhưng chính bức tranh đó lại khiến Pavel Tretyakov vô cùng thích thú. Nhà sưu tập đã mua bức chân dung này dù gặp phải nhiều chỉ trích từ các bậc thầy nghệ thuật, những người bị xúc phạm bởi cách vẽ “phi học thuật” của Serov. Serov đã nhận được 300 rúp cho “bức phác họa”. Đối với một chàng trai trẻ tuổi thì đây là một khoản tiền rất khá, có thể mua tới vài cân thuốc lá.