Giỏ hàng

Saint Petersburg - Một Thế Kỷ Nhìn Lại

Thành phố Saint Petersburg cổ kính hơn 100 năm về trước

Karl Karlovich Bulla – một cái tên khá nổi tiếng trong giới nhiếp ảnh gia, nhà sử học, nhân vật văn hóa, nhà báo, hoặc đơn giản là đối với những người thích tìm hiểu về nước Nga. Karl Bulla đã đi vào lịch sử với tư cách là "cha đẻ của nhiếp ảnh phóng sự Nga".

Trong thời kỳ Đế chế Nga Sa hoàng, Karl Bulla được coi là một trong những nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất. Giống như Prokudin-Gorsky, ông nổi bật vì sự tinh tế đặc biệt của mình khi quay phim phóng sự, và những bức ảnh toàn cảnh của ông về thành phố Thánh Peter vẫn luôn đáng ngưỡng mộ.

Ít người biết rằng ông là một trong những người đầu tiên mở cửa hàng ảnh của mình ở Saint Petersburg, trong tòa nhà Passage trên đại lộ Nevsky, biến nó thành một doanh nghiệp gia đình, một thương hiệu thực sự dưới thời đại ông sống. Trước tòa nhà studio Bulla trên đường Malaya Sadovaya, một bức tượng của nhiếp ảnh gia đã được dựng lên.

Bức tượng nhiếp ảnh gia Karl Bulla ở Saint Petersburg 

Chúng ta hãy cùng nhìn ngắm những tác phẩm của Bulla về thành phố Saint Petersburg cổ kính những năm đầu thế kỷ XX, những kiệt tác hẳn rất hiếm có sau 100 năm còn tồn tại.

Cung điện mùa đông

Cung điện mùa đông – trung tâm đầu não của Đế chế Sa hoàng Nga. Tòa nhà hiện tại của cung điện do kiến trúc sư người Ý B. F. Rastrelli thiết kế theo yêu cầu của Nữ hoàng Elizaveta I theo phong cách nghệ thuật Baroque, và được xây dựng trong những năm 1754 – 1762.

Cung điện Mùa đông bên bờ sông Neva

Trong một thời gian dài, Cung điện Mùa Đông là nơi ở của các Nga hoàng. Khi chế độ Nga hoàng sụp đổ, từ tháng 7 đến tháng 11 năm 1917 Cung điện Mùa Đông là sảnh họp của Chính phủ lâm thời. Kể từ năm 1918 tất cả các bộ sưu tập đã được tuyên bố là tài sản của nhà nước và Cung điện Mùa đông chính thức trở thành một phần của quần thể bảo tàng Hermitage. Trong Thế chiến II, tất cả các bộ sưu tập đã được sơ tán đến Urals. Chỉ tới mùa thu năm 1945, Cung điện Mùa đông ở mới được mở cửa trở lại để đón khách tới tham quan.

Quảng trường Cung điện

Quảng trường Cung điện đã được biết đến từ năm 1766, là trái tim của thủ đô phương bắc, là nơi diễn ra những sự kiện lớn trong thành phố. Vào tháng 10 năm 1918, quảng trường đổi tên thành Uritsky (để vinh danh M.S. Uritsky, một trong những người tổ chức cơn bão Cung điện Mùa đông năm 1917, Chủ tịch Ủy ban khẩn cấp Petrograd, người đã bị giết vào ngày 30 tháng 8 năm 1918 tại lối vào Tòa nhà Bộ Tổng tham mưu). Vào ngày 13 tháng 1 năm 1944, một sắc lệnh được ban hành trả lại 20 tên gọi lịch sử, bao gồm Quảng trường Cung điện, và kể từ đây nó đã quay về với cái tên ban đầu của mình cho tới ngày nay.

Cầu Cung điện

Cây cầu nằm trong số những kiệt tác kiến trúc ở trung tâm của Saint Petersburg và là một biểu tượng của thành phố trên sông Neva, kết nối khu vực trung tâm và đảo Vasily - hòn đảo lớn nhất trong thành phố.

Quảng trường Giao thương

Quảng trường Giao thương tọa lạc tại khu vực mũi đảo Vasily. Năm 1925-1926, theo dự án của kiến ​​trúc sư L.A. Ilyin, quảng trường trước Sàn giao dịch đã trở thành một vườn hoa của thành phố. Hơn một thập kỷ sau, đất nước bắt đầu chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 100 năm ngày mất của nhà thơ vĩ đại người Nga A.S. Pushkin vào năm 1937. Liên quan đến lễ kỷ niệm này, thành phố quyết định đổi tên quảng trường Birzhevaya (chứng khoán, giao thương) thành Pushkinskaya, ở trung tâm dự định sẽ dựng lên một tượng đài của đại thi hào Pushkin. Tuy nhiên, ý tưởng này đã không được thực hiện vì chiến tranh xảy ra không lâu sau đó. Về sau, tượng đài nhà thơ đã xuất hiện ở một vị trí khác, dường như hợp lý hơn rất nhiều, đó là quảng trường Nghệ thuật. Năm 1989, quảng trường được trả lại tên lịch sử của nó – Birzhervaya (Giao thương).

Chợ Andreevsky trên đảo Vasily

Hiện nay chợ Andreevsky là một khu tổ hợp thương mại khá rộng lớn, các mặt giao với đại lộ Bolshoy, đường số 5 và đường số 6 đảo Vasily. Trải qua quá trình lịch sử hơn 200 năm, tòa nhà đã được sửa lại nhiều lần, nhưng rất may mắn là nó vẫn giữ được mô hình kiến trúc cũ, trở thành một biểu tượng lịch sử kiến trúc được bảo tồn.

Tháng đường St. Isaac

Thánh đường St. Isaac là nhà thờ Chính thống giáo lớn nhất tại thành phố Saint Petersburg. Nơi đây được mệnh danh là kiệt tác của kiến trúc, là một trong số những tòa thánh mái vòm đẹp và đáng ngưỡng mộ không chỉ ở Nga mà còn trên toàn thế giới.

Tháng đường Đức mẹ Kazan

Thánh đường tọa lạc tại cung đường hào hoa lộng lẫy nhất đại lộ Nevsky được xây dựng từ năm 1801 tới năm 1811 dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư A.N. Voronnokhin theo phong cách đế chế, hay phong cách cổ điển Nga. Tại đây lưu giữ bức tranh thánh kỳ diệu Đức mẹ rước từ thành phố Kazan. Năm 1803, tổng chỉ huy M.I. Kutuzov được chôn cất trong thánh đường mặc dù ông chưa được phong thánh, trên phần mộ của ông có treo những chìa khóa từ các thành phố nước Pháp như là những chiến công lẫy lừng của vị tướng lĩnh tài ba này.

Đại lộ Nevsky

Đây là đại lộ chính của thành phố Saint Petersburg với chiều dài 4,5 km nối 2 đầu là tòa Đô đốc Hải quân và Tu viện Alexandre Nevsky. Nơi đây hội tụ những tòa nhà lớn và cổ kính được cho là của các gia đình quý tộc, có hơn 240 tòa nhà có mặt tiền quay về phía đại lộ.

Tòa nhà Đại khách sạn Hoàng gia trên đại lộ Nevsky

Ban đầu, tuyến đường này được lấy tên theo tu viện, bởi đây là con đường chính dẫn đến đó, vì thế nó có tên là Nevsky. Năm 1918, kỷ niệm 1 năm Cách mạng tháng mười thành công, đại lộ được đổi tên thành con đường 25 tháng 10. Mãi cho tới khi thành Leningrad phá được vòng vây 900 ngày đêm trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, vào đầu năm 1944 người ta đã trả lại cái tên Nevsky cho đại lộ.

Đại lộ Nevsky năm 1903

Điểm đặc biệt của tuyến đường này nằm ở chỗ, nó được xây dựng đồng thời từ 2 phía bởi 2 tổ chức khác nhau. Bởi vậy, tuyến đường không thẳng mà là một đường gấp khúc, gặp nhau tại Quảng trường Khởi nghĩa, đây cũng là “biên giới” phân chia phong cách của đại lộ. Từ Quảng trường Khởi nghĩa chạy về phía tòa Đô đốc Hải quân, đại lộ Nevsky mở ra thênh thang rộng lớn, hào hoa kỳ vĩ, giờ đây tràn ngập ánh sáng rực rỡ; còn phía ngược lại đến Tu viện Alexandre Nevsky lại mang một màu sắc trầm lặng hơn, nhưng không kém phần sang trọng và cổ kính, tuy vậy phần đường này lại hẹp hơn so với một nửa còn lại.

Tượng Kỵ sĩ đồng

Trong chiều dài trị vì hơn 300 năm của triều đại Romanov, chỉ duy nhất 2 Nga hoàng được vinh danh “Đại đế”, đó chính là Pie Đệ nhất và Ekaterina Đệ nhị. Có lẽ bức tượng Kỵ sĩ đồng này thể hiện một mối liên hệ về mặt tâm hồn cũng như tầm vóc trí tuệ của 2 vị Hoàng đế. Ekaterina Đệ nhị tuy xuất thân gốc Phổ, nhưng bà vô cùng yêu văn hóa và lịch sử nước Nga, đặc biệt mến mộ và khâm phục tài trị nước cũng như công lao không gì sánh bằng của Pie Đại đế. Chính vì vậy, sau khi lên ngôi, vào năm 1761 bà đã cho xây dựng bức tượng về Sa hoàng Pie I. Bức tượng trường tồn cùng thời gian là một kiến trúc mang đậm ý nghĩa lịch sử cũng như cấu trúc mỹ thuật tuyệt vời.

Cầu Thánh Ba ngôi

Cầu Thánh Ba ngôi (từ 1918 đến 1934 - Cầu Công Bằng, từ 1934 đến 1991 - Cầu Kirov) – cây cầu mở bắc ngang qua dòng Neva và là một trong số những cây cầu đẹp nhất thành phố Saint Petersburg. Tên cầu được đặt để vinh danh quảng trường gần đó và nhà thờ Thánh Ba ngôi (bị phá hủy năm 1932).

Cầu Nicolaevsky

Nay là Blagoveshchensky (Thánh truyền tin) – cây cầu vĩnh cửu đầu tiên bắc qua sông Neva. Trước khi xây dựng cây cầu vĩnh cửu, năm 1727 đã có một cây cầu phao mang tên St. Isaac nằm tại vị trí này. Đây là cây cầu mở cuối cùng trên dòng đại Neva trước khi con sông này đổ ra biển Baltic.

Nhà ga Vitevsky

Vitevsky là ga tàu đầu tiên ở Nga. Tòa nhà gỗ một tầng ban đầu được xây dựng vào năm 1837 cho tuyến đường sắt nối Saint Petersburg và Tsarskoye Selo (nay là thành phố Pushkin). Vào năm 1904, nhà ga hiện tại theo dự án của kiến trúc sư tài năng S. A. Brzhozovsky lần đầu tiên ra mắt mang đậm phong cách "đương đại".

back to top